Khoa Viễn thông 1 - PTIT
Viettel Lab được trao tặng là một hệ thống 4G LTE hoàn chỉnh cho phép cung cấp đầy đủ các dịch vụ cơ bản của mạng viễn thông di động thế hệ thứ 4. Đây là phòng thí nghiệm mạng 4G LTE hoàn chỉnh đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được trang bị cho một trường đại học để phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy. Các thiết bị trang bị tại phòng Lab này hoàn toàn do Viettel nghiên cứu, phát triển và làm chủ. Tổng giá trị đầu tư phòng Lab là 8,5 tỷ đồng.
Các hệ thống chính tại phòng lab gồm trạm thu phát sóng eNodeB, hệ thống chuyển mạch gói EPC (Evolved Packet Core), hệ thống cung cấp các dịch vụ truyền thông đa phương tiện trên nền mạng IP – IMS (IP Multimedia Subsystem) và hệ thống tính cước thời gian thực OCS (Online Charging System).
Thông qua phòng lab 4G vừa được khai trương, giảng viên và sinh viên học viện có thể thực hiện việc mô phỏng cuộc gọi End to End, mô phỏng truy cập website và lưu lượng di động, tính cước dịch vụ thoại, data, thực hiện thủ tục Handover với các giao diện mạng LTE: S1, S6a, S5/S8, S10, Gx, Gy…
Việc trao tặng phòng Lab này xuất phát từ nhu cầu của nhà trường và sáng kiến của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông với kỳ vọng sẽ giúp nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu và giảng dạy, nhằm xóa bỏ khoảng cách đã tồn tại từ lâu: Đó là khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn; khoảng cách giữa học và hành; khoảng cách giữa nhà trường và doanh nghiệp; khoảng cách giữa người vừa ra trường và người đang vận hành, khai thác mạng lưới.
Tại buổi lễ, Đại tá Tào Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Viettel cam kết sẽ liên tục cập nhật những phiên bản mới nhất để thầy và trò Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông được học tập và nghiên cứu song hành cùng với các bước tiến về công nghệ ở Việt Nam và trên thế giới. Viettel cũng sẽ cùng tham gia xây dựng giáo trình, bài giảng và tổ chức đào tạo cho sinh viên của Học viện. Điều này vừa đóng góp xây dựng nhân lực viễn thông, công nghệ thông tin (VT-CNTT) của đất nước, vừa xuất phát từ nhu cầu cần có nhân lực chất lượng cao cho hoạt động của Viettel.
Bên cạnh đó, việc cho các bạn sinh viên tiếp xúc với hệ thống thực cũng sẽ kích thích sự sáng tạo và mở ra những cơ hội mới cho tập đoàn. Những ý tưởng sáng tạo này chỉ có thể bắt nguồn từ hệ thống mô phỏng của các bạn sinh viên bởi điều này không dễ để có thể thử nghiệm trên hệ thống thực.”, ông Thắng nói.
Không những thế, sự kiện này còn gửi thông điệp đến sinh viên: Muốn Việt Nam phát triển, phải nghiên cứu, làm chủ, sản xuất phần mềm, công nghệ cao. Hiện nay, 5G đang được thử nghiệm ở những bước cuối. VN sẵn sàng sánh ngang với các nước trên thế giới. Bộ TT-TT đã đưa ra tầm nhìn chiến lược về phát triển công nghệ số VN với tinh thần: Hợp tác nhưng không phụ thuộc doanh nghiệp công nghệ nước ngoài; vừa nghiên cứu làm chủ công nghệ. Phòng lab là minh chứng của việc doanh nghiệp hợp tác với các trường đại học để kiến tạo xã hội số Việt Nam bằng việc làm chủ công nghệ số.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Sự kiện này, cùng với việc thể hiện sự kết nối giữa doanh nghiệp với trường đại học, thì còn truyền đi một thông điệp về việc Việt Nam làm chủ hạ tầng viễn thông Việt Nam”. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, trước đây, đối với sinh viên ngành VT-CNTT thì việc được trải nghiệm thực tế cả hệ thống mạng viễn thông ngay tại trường đại học là một giấc mơ. Ngay cả các nhân viên đang công tác tại những doanh nghiệp viễn thông thì cũng chỉ một phần rất nhỏ được tiếp xúc trực tiếp với hệ thống. Mạng 2G đã ra đời được 30 năm, nhưng tới nay nhìn chung các cơ sở đào tạo về viễn thông, công nghệ thông tin tại Việt Nam vẫn chưa đủ sức trang bị cả một hệ thống để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, giảng dạy cho giảng viên, sinh viên. “Đó là món nợ 30 năm đối với việc đào tạo nhân lực ngành VT-CNTT”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói. Bộ trưởng cho rằng, với việc cung cấp phòng lab 4G hiện đại, các sinh viên của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông sẽ được trải nghiệm thực hành như các kỹ sư trình độ cao tại các doanh nghiệp VT-CNTT lớn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, thời gian tới, Viettel cũng như các doanh nghiệp VT-CNTT tại Việt Nam cần quan tâm hơn tới việc tham gia đầu tư trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, giảng dạy tại các trường Đại học, cơ sở đào tạo về VT-CNTT. Đó chính là hoạt động thiết thực phục vụ cho việc nâng cao chất lượng nhân lực ngành VT-CNTT, đáp ứng nhu cầu của chính doanh nghiệp, cũng như của đất nước. Bộ trưởng mong muốn Viettel và các doanh nghiệp VT-CNTT sẽ cung cấp các hệ thống công nghệ cho các cơ sở đào tạo có độ trễ chỉ khoảng 1 năm so với thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh. Như vậy, sinh viên khi ra trường sẽ đáp ứng được ngay yêu cầu công việc, doanh nghiệp sử dụng được ngay, không cần phải đào tạo lại.
— Tổng hợp ICT news và PTIT Portal —